Giới thiệu chung về Phòng trưng bày các hiện vật - Nơi lưu giữ những kỷ vật hào hùng

1. Tên gọi: Khu Rừng căn cứ lịch sử Kiến An (căn cứ Hóc Tràm hoặc rừng cấm Kiến An) gọi tắt là Rừng lịch sử Kiến An.

2. Địa điểm phân bố, đường đi đến:

Rừng lịch sử Kiến An thuộc ấp 2, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương (nay là ấp Bàu Khai, xã An Lập)

Di tích là một khu rừng tái sinh có diện tích khoảng 128ha, nằm trên vùng đất cao gần sông và trục lộ giao thông. Cách thị xã Bến Cát 20km về hướng Tây.

3. Sự kiện lịch sử và thuộc tính của di tích

Đây là khu rừng tự nhiên gắn liền với các sự kiện lịch sử của tỉnh Bình Dương. Nơi đây, từ năm 1960 – 1975 có đến 15 đơn vị đóng quân, vừa là căn cứ địa, vừa là bàn đạp để tấn công quân địch.

Các đơn vị gồm có:

Huyện ủy và Huyện Đội Bắc Bến Cát chỉ huy lúc đó là đ/c Út Ý, đ/c Út Phương; Trường Đảng Tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gồm có đ/c Ba Bửu, Ba Rẽ,...; Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Y4 của Sài Gòn - Gia Định, Tỉnh Đoàn Bình Dương do đ/c Hai Bình, đ/c Tám Liên phụ trách; Ban Nông hội; Mặt trận; Tiểu đoàn Phú Lợi; Đặc khu Sài Gòn – Gia Định, Phân khu 5, Trung đoàn 1 và 2 của Sư đoàn 9, Đoàn Hậu cần 83 của Miền Trung đoàn 304.

Trong trận đánh Đường Long vào năm 1963 tiêu diệt Tiểu đoàn Cọp Đen, Trung đoàn 1 xuất phát từ đây.

Đoàn Hậu cần 83 phụ trách là các đ/c Mười Bị, Hai Lưu là đoàn hậu cần của Miền đóng quân tại rừng Kiến An để thu thập lương thực, thuốc men, từ miền Bắc và từ chiến trường Campuchia chuyển về, đồng thời cũng là căn cứ xuất quân tiến đánh, phục kích quân địch trên đường 14, đường 7.

Năm 1963 trong trận chống càn ở Hóc Tràm, Trung đoàn 1 của Sư 9 kết hợp với Đại đội 304 diệt 1 Đại đội Sư 5 của Ngụy.

Năm 1967 tỉnh Bình Dương giải thể, thành lập các phân khu, rừng Kiến An trở thành căn cứ của Phân khu 1 (Sài Gòn – Gia Định) và Phân khu 5. Trong năm 1965 giặc Mỹ cho B52 rãi thảm bom hủy diệt từ căn cứ Long Nguyên đến rừng Kiến An. Ngày nay, rừng Kiến An vẫn còn các hố bom nối liền thành những vệt kéo dài.

Năm 1968 căn cứ rừng Kiến An trở thành nơi tập kết thương binh từ các nơi chuyển về, sau đó chuyển về R điều trị. Sau đợt Mậu Thân 1968 địch phản kích bằng cách cho máy bay rải bom và chất độc hóa học hủy diệt, đồng thời cho xe máy ủi có xe tăng yểm trợ ủi phá rừng Kiến An suốt một tháng. Thời gian đó du kích Kiến An đã phục kích bắn hỏng và cháy 11 xe tăng cùng nhiều xe ủi, bắn rơi 2 máy bay trinh thám.

Từ năm 1971 – 1972, rừng Kiến An trở thành nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, du kích Kiến An kiên cường bám trụ, sau Hiệp định Pari xã Kiến An hoàn toàn giải phóng.

 Từ 3/1973 – 12/1974, An ninh tỉnh Bình Dương chuyển về rừng Kiến An lập căn cứ (Bàu Khai) nay là Nông trường An Lập thuộc Công ty cao su Dầu Tiếng. Tại đây Ban An ninh tổ chức đào tạo cán bộ, chuẩn bị lực lượng để sau này xuống đường tiếp quản Thủ Dầu Một góp phần giải phóng miền Nam.

Tóm lại rửng Kiến An là căn cứ Cách Mạng từ năm 1960 - 1975, có đến 15 đơn vị đóng quân, tăng gia sản xuất, là bàn đạp tiến công tiêu diệt kẻ thù. Từ đó quân dân Bắc Bến Cát đã kiên cường bám trụ suốt 15 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở đó có đ/c Chín Tặng được tặng huân chương về thành tích nuôi thương binh, bộ đội, chéo thuyền đưa bộ đội qua sông, bám trụ giữ làng cho đến ngày giải phóng.

Ngoài ra đây còn là khu rừng thiên nhiên có diện tích 128ha gồm có nhiều loại gỗ quý như: Sao, Dầu, Gõ, Dênh Dênh, Sến, Trắc, Trâm, có cây lớn gần 50 tuổi nhưng chủ yếu là rừng tái sinh và các loài thú rừng như: khỉ, mễnh, thỏ, cheo, chồn, sóc, gà rừng, v.v....

Di tích lịch sử Rừng Kiến An được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 3875/QĐ-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2004. 

Xây dựng tu bổ nhằm giới thiệu các chứng tích hoạt động của ông cha ta những người yêu nước, tái hiện lại hình ảnh đấu tranh của quân dân trong tỉnh trong những năm kháng chiến. Bảo tồn hệ sinh thái hiện hữu làm nơi tham quan, nhằm mục tiêu tôn vinh các di tích lịch sử và giáo dục di tích lịch sử, truyền thống cách mạng cho lớp thế hệ con cháu, còn tạo sức bật mới cho ngành du lịch Bình Dương

+ Giai đoạn 1: Khởi công xây dựng vào ngày 18/3/2013 và hoàn thành đưa vào hoạt động vào tháng 4/2015 với tổng kinh phí trên 52 tỷ đồng, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư. Gồm các hạng mục: Nhà Truyền thống (trưng bày hình ảnh, hiên vật) và 06 khu tái hiện nơi ở và làm việc của 15 đơn vị đóng quân.

+ Giai đoạn 2: Đang khởi công xây dựng, tái hiện lại quang cảnh hội họp sinh hoạt, chế tạo vũ khí của các lực lượng. Trang bị phim tư liệu lịch sử, trưng bày hiện vật về rừng lịch sử Kiến An để giới thiệu cho du khách đến tham quan di tích.

KHU DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG RỪNG KIẾN AN
Địa chỉ: Ấp Bàu Khai, Xã An Lập, Huyện Dầu Tiếng, Tỉnh Bình Dương

Số điện thoại: 0274 3592772    |     
Email: ditichrungkienan@gmail.com
Facebook: @ditichrungkienan

HOẠT ĐỘNG TẤT CẢ CÁC NGÀY (Từ 07 giờ đến 17 giờ)

2020 © Bản quyền thuộc Ban Quản Lý Di Tích Huyện Dầu Tiếng

Thiết kế bởi VNPT
Cám ơn bạn đã liên hệ với chúng tôi !
Gửi Xóa